HIỂU VÀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH ĐÚNG CÁCH

Chủ nhật - 28/10/2018 09:38
Trước tình hình bệnh tật có nhiều diễn biến và biểu hiện phức tạp, áp lực của người thầy thuốc ngày càng lớn. Để đảm bảo cho việc dùng thuốc có hiệu quả, chất lượng và an toàn hợp lý.

Khoa Dược bệnh viện đa khoa Đoan Hùng sưu tầm và tổng hợp một số phương pháp sử dụng thuốc, cách tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Kính mong các thầy thuốc trực tiếp, điều trị cho người bệnh và người bệnh khi sử dụng thuốc kháng sinh lưu tâm đến những vấn đề này.

            Kháng sinh – “con dao hai lưỡi” nếu dùng đúng thì khỏi bệnh, nếu dùng sai sẽ nguy hiểm.

  1. Định nghĩa

            Kháng sinh là những chất do vi sinh vật tiết ra hoặc những chất hóa học bán tổng hợp, tổng hợp với nồng độ rất thấp có khả năng đặc hiệu kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn hoặc diệt được vi khuẩn. Nó có tác dụng lên vi khuẩn ở cấp độ phân tử, thường là một vị trí quan trọng của vi khuẩn hay một phản ứng trong quá trình phát triển của vi khuẩn.

  1. Phân loại

            Tính tới năm 2010 có khoảng 13 nhóm thuốc với gần 500 tên thuốc (trừ 4 nhóm chuyên biệt là: chống nấm, chống lao, chống phong và trị ung thư). Mỗi nhóm có nhiều tên thuốc khác nhau, mỗi tên thuốc có nhiều biệt dược khác nhau. Ngoài ra, còn nhiều biệt dược phối hợp 2-3 kháng sinh với nhau để tăng tác dụng của thuốc như:

 

(Hình ảnh mang tính chất minh họa)

            + Các Penicilin: dùng chữa các bệnh như nhiễm trùng do tụ cầu, liên cầu, nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, hoại thư, viêm tuỷ xương, viêm khớp, viêm nội tâm mạc, mủ lậu, giang mai, viêm loét lưỡi cấp, nhiễm khuẩn tiết niệu, đường ruột, đường sinh dục,…

            Ví dụ: Penicilin G: Penicilin G và Penicilin V

                        Penicilin M: Meticilin, Oxacilin, Cloxacilin

                        Penicilin A: Ampicilin và tiền chất Amoxylin

            + Các Cephalosporin gồm 4 thế hệ I, II, III, IV. Thế hệ I, II chủ yếu để điều trị các vi khuẩn  Gram (+); Thế hệ III, IV để điều trị vi khuẩn Gram (-).

            Thế hệ I gồm: Cephalexin, Cefazolin, Cefadroxin

            Thế hệ II gồm: Cefaclor, Cefuroxim, Cefoxitin

Thế hệ III gồm: Cefotaxim,Ceftriaxon, Ceftazidim

Thế hệ IV gồm: Cefepim, Cefpirom

+ Betalactamin (B-lactam): bao gồm tất cả các chất kháng sinh có chứa chuỗi B-lactam trong cấu trúc phân tử, có tác dụng ngăn vách tế bào sinh tổng hợp trong tổ chức vi khuẩn, bao gồm cả nhóm Penicilin và Cephalosrin.

Kháng Betalactamase gồm: Ampicilin/ Sulbactam

                                             Amoxicilin/ a.Clavulanic

                                              Ticarcilin/ a.Clavulanic

                                             Cefoperazol/ Sulbactam

Monobactam gồm: Aztreonam, Carumonam, Tigemonam

Carbapenem gồm: Imipenem, Meropenem, Thienamyem, Acid Olivanic

+ Aminozid có phổ rộng chủ yếu trên vi khuẩn Gram (-) trị tụ huyết trùng, viêm cổ tử cung, viêm đường sinh dục, tiết niệu, bệnh đường hô hấp, nhiễm trùng máu.

III. Sử dụng khánh sinh đúng cách

Khi cần chữa bệnh bằng kháng sinh, người bệnh phải được bác sỹ khám bệnh, kê đơn.

(Hình ảnh mang tính chất minh họa)

  1. Với người bệnh

             Trước khi dùng thuốc phải xem lại đơn bác sỹ về liều dùng, số lần dùng thuốc trong ngày, cách dùng thuốc, kiêng kỵ. Sau đó, xem tờ hướng dẫn sử dụng trong hộp thuốc về cách dùng, kiêng kỵ, tác dụng phụ,…để dùng thuốc cho đúng tránh những điều đáng tiếc.

            Thuốc kháng sinh thường được sử dụng sai bởi nhiều bệnh nhân không dùng theo hướng dẫn của y, bác sỹ. Họ có thể ngừng thuốc kháng sinh quá sớm trước khi bệnh của họ hoàn toàn chữa khỏi, hoặc tự ý tăng liều để “nhanh khỏi” điều này sẽ khiến vi khuẩn dễ đề kháng với thuốc kháng sinh.

  1. Với Bác sỹ

            – Phải kiểm tra tình trạng người bệnh (có thai, tiền sử dị ứng thuốc, các thuốc đã, đang sử dụng,…)

            Xác định đúng tác nhân gây bệnh và chọn lựa loại thuốc thích hợp tránh điều trị bao vây.

            + Trước hết phải có một chuẩn đoán nhiễm khuẩn (trên cơ thể có những đường tự nhiên như: đường thở, đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục,…có nhiều vi khuẩn có lợi sống chung với vi khuẩn có hại, vì lý do nào đó vi khuẩn có hại lấn át vi khuẩn có lợi từ đó sinh ra viêm nhiễm).

            + Nếu có viêm mà không do nhiễm khuẩn thì không dùng thuốc khánh sinh (như: đau họng do hút thuốc nhiều, uống nước đá, dùng điều hòa nhiệt độ nhiều. Kháng sinh không chữa cảm lạnh vì cảm lạnh do vius mà kháng sinh không có hiệu lực trên virus).

            + Khi xác định có nhiễm khuẩn lựa chọn loại thuốc kháng sinh nào phù hợp (Nghe, hỏi người bệnh để người bệnh kể cho thầy thuốc đã bị những lần nhiễm khuẩn thế nào, đã dùng loại thuốc kháng sinh gì, dùng bao lâu,…từ đó thầy thuốc chọn kháng sinh thích hợp). Ngoài ra, Bác sỹ có thể dựa trên một số kinh nghiệm biểu hiện lâm sàng, kết quả cận lâm sàng để chọn thuốc điều trị cho phù hợp. Tốt nhất là làm kháng sinh đồ trước khi chỉ định dùng thuốc để tránh nhờn thuốc.

  1. Nên uống thuốc kháng sinh khi nào?

            – Những loại thuốc kháng sinh uống xa bữa ăn: là những loại thuốc kém bền vững trong môi trường dịch vị hoặc bị giảm hấp thu do thức ăn. Nên uống thuốc trước 1giờ hoặc sau 2 giờ sau bữa ăn (gồm nhóm Penicilin, Cephalosporin, Nhóm Macrolit, nhóm thuốc chống Lao).

            – Những loại thuốc kháng sinh uống trong hoặc ngay sau bữa ăn gồm nhóm: Quinolon, nhóm Nitronidazol, nhóm Cyclin,…

            Riêng loại viên bao tan trong ruột không kể thuộc nhóm kháng sinh nào đều có thể uống bất kỳ lúc no hay đói (tốt nhất là uống lúc đói với một cốc nước sôi để nguội).

            *) Tương tác giữa kháng sinh với các thuốc khác.

            Tùy loại khánh sinh cụ thể, nếu có tương kỵ độc hại hoặc giảm tác dụng thì không được dùng cùng một lúc hoặc dùng trong suốt thời kỳ dùng loại kháng sinh đó (ví dụ: Erythromicin có tới hơn 30 loại cấm dùng cùng lúc).

            Ăn uống các loại rau, quả có vị chua chứa nhiều acid hữu cơ nên dùng trước 1 giờ hoặc sau 2 giờ mới uống thuốc kháng sinh.

CÁCH DÙNG KHÁNG SINH KHI TRẺ BỊ BỆNH HÔ HẤP

             Sợ biến chứng viêm phổi khi trẻ em bị nhiễm khuẩn đường hô hấp nên nhiều người đã vội cho trẻ uống kháng sinh phòng nhiễm – như vậy vừa không có tác dụng phòng nhiễm, phòng biến chứng vừa gây những phản ứng phụ như: dị ứng, tiêu chảy,…hoặc khi bé ho gia đình cho bé uống kháng sinh nhưng kháng sinh lại không có tác dụng với trẻ ho, cảm.

 

(Hình ảnh mang tính chất minh họa)

            Vì những lý do trên, các Thầy thuốc phải lựa chọn và dùng kháng sinh đúng bệnh, đúng nhóm bệnh. Sau đây là một số điều khuyên các Thầy thuốc nên lưu tâm khi dùng thuốc cho trẻ:

  1. Viêm mũi, họng cấp hoặc nhiễm khuẩn hô hấp trên vị trí không xác định:

– Nguyên nhân chủ yếu do virus – kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng nên trường hợp này không dùng kháng sinh. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng: hạ sốt, thuốc ho, thuốc sổ mũi. Bệnh thường tự khỏi sau 3-7 ngày.

  1. Viêm họng, viêm amidal cấp do liên cầu:

Để chuẩn đoán chính xác cần làm xét nghiệm cấy nhớt họng hoặc test chuẩn đoán nhanh.

Các dấu hiệu: họng đỏ, amidal sưng, có chất xuất tiết trắng và sưng đau hạch cổ. Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác như: đau họng, sốt, đau đầu, chấm xuất huyết nhỏ ở vòm,…(nếu chỉ đỏ không là viêm họng do virus).

Trẻ bị viêm họng do liên cầu cần được điều trị đúng và đủ liều kháng sinh để phòng biến chứng thấp khớp cấp có thể ảnh hưởng tới tim – khó chữa sau này.

 

(Hình ảnh mang tính chất minh họa)

  1. Viêm tai giữa cấp:

Nguyên nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn và cả virus chiếm 40-75%. Đây là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ. Kháng sinh được dùng trong một số trường hợp sau:

– Trẻ dưới 6 tháng tuổi

– Trẻ 6 tháng đến 2 tuổi: Dùng kháng sinh nếu chuẩn đoán chắc chắn hoặc chuẩn đoán không chắc chắn nhưng bệnh nặng.

– Trẻ trên 2 tuổi: Dùng kháng sinh nếu chuẩn đoán chắc chắn hoặc bệnh nặng.

– Các trường hợp khác: Điều trị triệu chứng và theo dõi 2 ngày sau nếu bệnh không đỡ mới dùng kháng sinh.

  1. Viêm mũi, xoang cấp do vi khuẩn:

Biểu hiện của bệnh thường gặp là: chảy mũi, tắc mũi, ho về ban ngày thường không đỡ sau 10 ngày hoặc bệnh nặng hơn với triệu chứng: sốt, chảy mũi mủ, đau ở vùng xoang mặt sau 5-7 ngày.

*) LƯU Ý:

Trừ Azithromycin có thể dùng có thể dùng 3-5 ngày, còn các loại kháng sinh khác dùng ít nhất 10 ngày. Dài nhất có thể đến 4 tuần.

Thời gian dùng kháng sinh phụ thuộc vào thời gian hết các triệu chứng và cộng thêm 1 tuần sau khi hết các triệu chứng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây