Bệnh Whitmore không phải là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người khi tiếp xúc nói chuyện. Vi khuẩn bệnh gây ra cũng không ký sinh trên động, thực vật và con người.
Đây là căn bệnh nhiễm trùng cơ hội, không dễ mắc, ít gặp ở người có sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, Bệnh Whitmore gây ra những bệnh cảnh lâm sàng đa dạng và biến chứng vô cùng nặng nề nên cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Các chuyên gia khẳng định, bệnh Whitmore không đáng sợ như những gì được đồn thổi. Cách gọi Whitmore là vi khuẩn "ăn thịt người" do mọi người hiểu sai bản chất của căn bệnh này. Những người nhiễm vi khuẩn Whitmore khi tiến triển nặng mới gây ra hoại tử còn bản thân vi khuẩn whithmore không có khả năng ăn các tế bào nên không thể gọi là "ăn thịt người". Cách gọi Whitmore là vi khuẩn "ăn thịt người" sẽ gây hoang mang cho người dân.
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có tên Burkholderia pseudomallei, là một loại vi khuẩn Gram âm, có thể tồn tại trong bùn, đất và lây nhiễm bệnh thông qua các vết xước, vết thương ngoài da do sơ ý hoặc tai nạn. Đôi khi vết xây xước nhỏ nên dễ bị bỏ qua. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa do hít phải bụi, hơi nước có nhiễm khuẩn hoặc uống nước có nhiễm khuẩn Whitmore.
Vi khuẩn Whitmore thường tạo thành các mụn mủ to hoặc nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ áp-xe lớn, gây tổn thương tại nơi xâm nhập. Vi khuẩn sau đó theo dòng máu đi đến các cơ quan và gây bệnh, đặc biệt tại gan, lách, phổi... Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể biến chứng nhiễm khuẩn huyết và nhiễm khuẩn bởi các ổ áp-xe, thậm chí nặng hơn nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, người bệnh có tiên lượng xấu, dễ tử vong.
Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng và biểu hiện không rõ ràng. Vì vậy, Whitmore được coi là “kẻ mạo danh”, dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với bệnh khác. Do đó, dễ dẫn tới ảnh hưởng tới kết quả điều trị và tiên lượng xấu hơn ở người nhiễm bệnh.
Bệnh Whitmore được chẩn đoán bằng phương pháp nuôi cấy khuẩn và người bệnh cần tuân thủ điều trị để tránh biến chứng nghiêm trọng. Tỷ lệ tái phát bệnh 5-25%. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore. Do đó, phòng bệnh Whitmore là rất quan trọng.
Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần:
Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.
Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời./.
(theo http://soyte.phutho.gov.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn