Chế độ sinh hoạt của bệnh nhân Đái tháo đường

Thứ năm - 26/09/2024 21:58

1. Vận động

          Vận động luôn mang lại cho cơ thể những lợi ích nhất định và đối với bệnh nhân tiểu đường cũng vậy. Do đó cần duy trì chế độ sinh hoạt hàng ngày với các hoạt động như: Đi dạo, bơi lội, khiêu vũ, đi xe đạp, chơi thể thao, chăm sóc sân vườn hoặc làm việc nhà.
          Bệnh tiểu đường đòi hỏi người bệnh cần có nhiều hoạt động hơn để tạo ra nhiều lợi ích như: Giảm cân, giảm lượng đường trong máu, giúp tim, phổi hoạt động tốt hơn và có thêm nhiều năng lượng.
          Việc vận động nên được duy trì ít nhất 3 lần 1 tuần, trong khoảng 30 – 45 phút, hãy làm quen bằng những khoảng thời gian ngắn nhất 5  10 phút, sau đó tăng dần lên. Cần có chút đồ ăn nhẹ luôn mang bên mình đẻ đề  phòng trường hợp đường huyết giảm.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người bệnh vận động quá nhiều, cần có sự tham khảo và tư vấn của bác sĩ để có chế độ tập luyện phù hợp. Cần chú ý nếu người bệnh có các vấn đề về mắt, huyết áp.
          Dù có sử dụng Insulin hay không cũng cần có chế độ và cách tập phù hợp nhất, cần kiểm soát lượng đường trong máu trước khi tập thể dục, thời điểm tập cũng quan trọng, nếu sử dụng insulin sẽ tập thể dục sau khi ăn chứ không phải trước khi ăn và cũng không tập ngay trước khi đi ngủ. Mức độ tập cần hợp lý không tập khi đường huyết cao hơn 240.
          2. Kiểm tra đường huyết mỗi ngày
Cần biết được lượng đường trong máu đang ở mức nào để có chế độ sinh hoạt mỗi ngày cho hợp lý. Các hoạt động chăm sóc và kiểm tra đường huyết cần được sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.

3. Chế độ dinh dưỡng
Người bị đái tháo đường có thể sống và sinh hoạt như người bình thường nếu biết dinh dưỡng hợp lý, biết cách chọn lựa thực phẩm phù hợp với bản thân mình.
Để kiểm soát tốt đường huyết cần có sự phối hợp của nhiều biện pháp: dinh dưỡng, vận động và thuốc. Chế độ ăn là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị đái tháo đường, đặc biệt là ĐTĐ typs 2 với mục đích nhằm bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng, cân bằng đầy đủ cả về số lượng và chất lượng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì “cân nặng nên có”, tránh được tăng đường huyết, tăng đường niệu, hạ đường huyết và các biến chứng lâu dài dẫn đến tàn tật và tử vong. Trong quy trình điều trị bệnh ĐTĐ, chế độ dinh dưỡng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng.
Nguyên tắc của chế độ ăn cho người bệnh ĐTĐ
−  Cung cấp cho người bệnh đủ nhu cầu về năng lượng, chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin & chất khoáng và ở tỷ lệ cân đối hợp lý.
−  Chế độ ăn không làm tăng đường máu nhiều sau ăn, không làm hạ đường máu lúc xa bữa ăn.
−  Duy trì được cân nặng ở mức cân nặng lý tưởng và không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu.
−  Đảm bảo ngon miệng, phù hợp với thói quen ăn uống và điều kiện kinh tế của người bệnh.
Nếu chế độ dinh dưỡng tốt, mức đường máu được khống chế ở mức an toàn, bệnh sẽ không tiến triển nặng thêm. Các thức ăn liên quan đến bệnh đái tháo đường: Thức ăn có glucid làm đường huyết tăng nhiều sau khi ăn; thức ăn có nhiều lipid dễ gây vữa xơ động mạch ở người đái tháo đường.
Vì thế điều cơ bản trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân đái tháo đường là phải hạn chế các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao để tránh đường huyết tăng nhiều sau khi ăn và hạn chế lipid động vật giàu các acid béo bão hòa.
 


Phân bố bữa ăn trong ngày của bệnh nhân đái tháo đường
Những người bị ĐTĐ cần phân chia khẩu phần thành nhiều bữa để không gây tăng đường huyết nhiều sau khi ăn. Việc chia nhỏ các bữa ăn trong ngày dựa trên tổng số năng lượng của cả ngày.
Các thực phẩm được lựa chọn sao cho chế độ ăn của người bệnh không chỉ đủ dinh dưỡng mà còn cung cấp cho cơ thể một lượng đường tương đối ổn định bằng cách chia số thực phẩm được sử dụng trong ngày ra các bữa ăn chính và phụ hợp lý.
Nếu người bệnh có tiêm insulin, phải tính thời điểm lượng đường huyết tăng cao sau bữa ăn phù hợp với thời điểm insulin có tác dụng mạnh nhất.
Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng
1. Nhu cầu năng lượng: Người bệnh đái tháo đường cũng có nhu cầu về năng lượng giống như người bình thường. Nhu cầu này tăng hay giảm và thay đổi khác nhau ở mỗi người và phụ thuộc vào:
Tuổi: Tuổi đang lớn cần nhiều năng lượng hơn người lớn tuổi.
Mức độ lao động: loại công việc nặng cần nhiều năng lượng hơn loại lao động nhẹ.
Tình trạng dinh dưỡng: người gầy cần nhiều năng lượng hơn người béo.
Nhu cầu năng lượng (Kcal) mỗi ngày cho bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện: Nam 26 Kcal/ kg thể trọng/ ngày; Nữ 24 Kcal/ kg thể trọng/ ngày.
Tỷ lệ các chất sinh năng lượng trong dinh dưỡng của người bệnh đái tháo đường:
a. Protein: Trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh đái tháo đường, protein nên cung cấp từ 12-15% năng lượng của khẩu phần ăn vào hoặc có thể cao hơn nếu người bệnh không có tổn thương thận. Lượng protein trong chế độ ăn của người ĐTĐ sở dĩ có thể cao hơn người bình thường là để đáp ứng nhu cầu chuyển hóa của cơ thể và cung cấp thêm năng lượng trong điều kiện hạn chế glucid nhưng cũng không nên quá 20% tổng số năng lượng của khẩu phần. Nên có sự cân đối giữa nguồn protein động vật có giá trị sinh học cao và nguồn protein thực vật.
b. Lipid: Các chất béo, đặc biệt là acid béo bão hòa, dễ gây vữa xơ động mạch nhưng mặt khác chất béo lại cung cấp nhiều năng lượng, vì vậy nên ăn các loại acid béo chưa bão hòa. Tỷ lệ lipid không nên quá 25% tổng số năng lượng khẩu phần; trong đó chất béo bão hòa nên dưới 10%, phần còn lại là chất béo không bão hòa, acid béo không no một nối đôi 10- 15%, acid béo không no nhiều nối đôi <10% tổng năng lượng của khẩu phần; Ít cholesterol, nên 200- 300mg/ ngày. Khi sử dụng lipid chú ý dùng nhiều acid béo chưa no vì cần hạn chế các axit béo no có nhiều trong chất béo động vật. Việc  kiểm soát chất béo cũng giúp cho ngăn ngừa vữa xơ động mạch.
c. Glucid: Ở bệnh nhân đái tháo đường, đường huyết có chiều hướng tăng nhiều sau khi ăn, vì thế phải hạn chế lượng glucid, đặc biệt là các thực phẩm có khả năng làm tăng đường huyết sau khi ăn cao. Tỷ lệ Glucid chấp nhận được là 55- 65% tổng số năng lượng. Nên sử dụng các glucid phức hợp như gạo, khoai củ (trừ khoai lang nướng), hết sức hạn chế đường đơn. Một điều không thể thiếu trong chế độ ăn của người bệnh ĐTĐ là chất xơ. Nên dùng thức ăn giàu chất xơ vì nó có tác dụng khống chế việc tăng glucoza, cholesterol, triglycerid sau bữa ăn. Thực phẩm giàu chất xơ làm chậm lại quá trình hấp thu đường vào máu, qua đó giữ cho mức đường trong máu không bị tăng đột ngột ngay sau bữa ăn, mà tiêu hóa hấp thu từ từ, giữ cho lượng đường trong máu không xuống quá thấp, có lợi cho quá trình điều trị bệnh. Nên có chế độ ăn giàu chất xơ, khoảng 14g/1000Kcal/ngày.
Các loại thức ăn mặc dù có lượng glucid bằng nhau nhưng sau khi ăn sẽ tăng đường huyết với mức độ khác nhau. Khả năng làm tăng đường huyết sau khi ăn được gọi là chỉ số đường huyết (GI) của loại thức ăn đó. Chỉ số đường huyết được coi là một chỉ tiêu quan trọng để chọn thực phẩm. Dùng các loại thức ăn có chỉ số đường huyết thấp trong chế độ ăn của đái tháo đường có ưu điểm làm cho đường huyết dễ kiểm soát hơn, cải thiện chuyển hoá lipid, đặc biệt đối với người bệnh đái tháo đường típ 2.
Người ta cũng chia thức ăn thành từng loại có hàm lượng glucid khác nhau: ≤ 5% glucid (gồm đa số các loại rau xanh); ≤ 10% glucid; ≤ 20% glucid.
Bệnh nhân đái tháo đường có thể ăn:
Không hạn chế (tự do) các loại thức ăn có ≤ 5% glucid.
Hạn chế đối với các loại thức ăn có 10- 20% glucid.
Kiêng, hay hạn chế tối đa đối với các loại đường hấp thu nhanh (mứt, kẹo, bánh ngọt, nước ngọt), trái cây khô mà trong thành phần có trên 20% glucid.
Với vitamin và khoáng chất: cần được đảm bảo cung cấp đầy đủ. Các loại này thường có trong rau quả tươi.
Chất xơ: nên ăn nhiều thức ăn có chất xơ (xellulose) có nhiều trong vỏ trái cây, gạo không giã kỹ… có tác dụng chống táo bón, giảm mức tăng đường huyết, cholesterol, triglyceride sau bữa ăn.
Đối với người bệnh đang điều trị bằng insulin tác dụng chậm, dễ có xu hướng bị hạ đường huyết trong đêm, vì thế nên ăn thêm bữa ăn phụ trước khi đi ngủ.

Nguồn tin: Dược sĩ CKI Hà Thị Hiền (Phụ trách khoa Dược - TTB&VTYT)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây